About Me

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Visakha Bucha.


Phật là chữ viết tắt của Phật Đà, đây là danh hiệu phiên âm từ tiếng Phạn Buddha 
बुद्ध sang Hán-Việt được dịch ý là Giác giả, tức "Người tỉnh thức", "Người Giác Ngộ". Do ban đầu người Việt tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) được phiên âm trực tiếp thành Bụt (đọc Nôm chữ hoặc ). Từ Bụt được dùng nhiều trong các truyện dân gian do Phật giáo Việt Nam lúc ấy mang màu sắc của Tiểu thừa. Sau này, vào thế kỷ thứ 4-5, do ảnh hưởng của Đại thừa đến từ Trung Quốc mà từ Bụt bị mất đi và được thay thế bởi từ Phật. Trong tiếng Hán, từ Buddha được phiên âm thành Phật đà, Phật đồ rồi được rút gọn thành Phật. 


Đã trót nhắc đến Tiểu thừa-Đại thừa nên mình muốn giải thích một chút về khái niệm này, chỗ nào nói sai, mọi người sửa giùm. Trong thời Phật tại thế, vốn không có phân biệt Tiểu thừa và Đại thừa. Phật pháp là một vị thuần nhất và kể cả Đại thừa hay Tiểu thừa thì đều thờ vị này cả.

Về mặt đối tượng thuyết pháp, do không giống nhau cho nên nội dung và cảnh giới thuyết pháp cũng khác nhau. Đối với những người có trình độ thấp, Phật chỉ giảng đạo lý làm người, giảng năm giới, mười điều thiện gọi là nhân thiên thừa. Đối với nhưng người nhàm chán thế gian, Phật giảng phương pháp thoát ly sinh tử, gọi là Thanh văn tiểu thừa. Đối với những người có trình độ cao, có tâm nguyện nhân độ thế, thì Phật giảng giáo lý Đại thừa bồ tát. 

Về mặt phân bố địa lý, thông thường gọi Phật giáo Bắc truyền theo văn hệ tiếng Phạn, lấy Trung Hoa làm trung tâm, bao gồm các nước như Nhật Bản, Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng, Việt Nam thì gọi là Phật giáo Đại thừa. Còn Phật giáo Nam truyền dùng kinh điển thuộc văn hệ Pali, lấy nước Srilanka làm trung tâm và bao gồm các nước như Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, thường được gọi là Phật giáo Tiểu thừa.

Sự khác nhau giữa tư tưởng và hành vi của hai phái này, cụ thể là giữa Việt Nam và Thái Lan, mình sẽ chia sẻ từ từ. Bài viết hôm nay là giới thiệu về ngày Visakha Bucha của Phật giáo Thái Lan, cũng chính là ngày Phật đản tại Việt Nam. Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông và ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Việt Nam chỉ kỷ niệm ngày này như là ngày sinh của Phật Tất-đạt-đa Cồ-đàm (tiếng Phạn Siddhārtha Gautama, sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni/Lumpini, năm 624 TCN, chính là đức Phật Thích Ca-người sáng lập ra đạo Phật); tuy nhiên, theo Phật giáo  Nam tông và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp tức là ba dấu mốc quan trọng của Đức Phật (Phật đản là ngày Đức Phật sinh ra,  ngày Phật thành đạo và  ngày mất hay còn gọi là ngày Phật nhập Niết-bàn) vì vậy có thể nói với Phật giáo Thái Lan thì đây là ngày lễ lớn nhất là quan trọng nhất. Các chùa mở cửa, tổ chức các hoạt động gây quỹ, người dân đến chùa lễ, nghe giảng, làm công quả và đặc biệt là dâng đồ lễ (đồ ăn, nhu yếu phẩm) cho các nhà sư khất thực. Tuy không phải là điều bắt buộc nhưng ai cũng cố gắng ăn chay trong ngày này.

Một số quốc gia với đa số Phật tử chịu ảnh hưởng Bắc tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Các quốc gia theo Nam tông thường tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 4 âm lịch hay là ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch.  Lễ hội được gọi là Visakah Puja (lễ hội Visakah) hay là Buddha Purnima, Phật Purnima (बुद्ध पूर्णिमा), với 'Purnima' nghĩa là ngày trăng tròn trong tiếng Phạn hay là Buddha Jayanti, Phật Jayanti, với Jayanti có nghĩa là sinh nhật ở Nepal và Tiếng Hindi. Thái Lan gọi là Visakha Bucha; Indonesia gọi là Waisak; Tây Tạng gọi là Saga Daw; Lào gọi là Vixakha Bouxa và Myanmar (Miến Điện) gọi là Ka-sone-la-pyae (nghĩa là Ngày rằm tháng Kasone, cũng là tháng thứ hai trong lịch Myanmar). Có những năm có 2 ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch như năm 2007, có nơi tổ chức ngày Vesak vào ngày trăng tròn đầu tiên (ngày 1 tháng 5) trong khi tại nơi khác lại kỷ niệm vào ngày trăng tròn thứ 2 (ngày 31 tháng 5). Cách tính kỷ nguyên Phật lịch tại các quốc gia theo truyền thống Nam tông cũng khác nhau, nên năm Phật lịch có thể cách nhau một năm.


Ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak (ở Việt Nam chính là ngày Phật Đản) là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc, những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi, được tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 dương lịch. Phật Đản là ngày nghỉ lễ quốc gia tại nhiều quốc gia Châu Á như Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Miến Điện, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia,... Tại Việt Nam, ngày này không phải ngày nghỉ lễ được công nhận chính thức.



Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites