Bài viết cộng tác với afamily.vn
Nếu được hỏi về ẩm thực Việt Nam, "phở" chắc chắn là món được nhắc tới nhiều nhất. Phở tràn ngập các cuốn sách ẩm thực, được những đầu bếp hàng đầu thế giới ưu ái, được ca ngợi trong những nhà hàng cao cấp nhất. Báo chí và internet đưa tin "Ai đến Việt Nam mà không một lần ăn phở thì thật là thiếu sót"
Thế nhưng nếu hỏi tôi rằng Đâu là món ăn đại diện cho ẩm thực Việt, tôi sẽ không khỏi tần ngần nghĩ đến bát bún thang ngày Tết. Bố tôi thường nói đùa, cái tài của bún thang là tận dụng được hết các nguyên liệu tả pí lù còn sót lại của một cái Tết dư dả, tôi rất lấy làm phật ý. Một ăn cầu kì với hơn 20 nguyên liệu từ công đoạn chuẩn bị cũng như khi nấu như trứng gà rán mỏng, lườn gà xé, giò lụa thái sợi, cuối cùng rắc chút ruốc tôm bông rải đều trên nền bún trắng, mà bún phải là loại bún sợi nhỏ, chứ không thô tháp như bún ốc đâu nhé. Nước dùng của bún thang lại phải là nước trong, được chắt chiu từ xương gà, xương lợn và mực khô để vừa có vị ngọt hải sản lại vừa có vị ngọt của xương. Một món ăn thể hiện rõ nhất sự cầu kì tinh vi đến mức khó tính của người nấu đến thế, có lẽ nào lại bắt nguồn từ lí do "tiết kiệm" Dù thế nào đi chăng nữa, bát bún thang ngày mùng 5 Tết của mẹ lúc nào cũng là món ăn đặc biệt nhất đã theo suốt cả tuổi thơ tôi.
Khao kluk kapi có thể được coi như món bún thang trong ẩm thực Thái Lan. Lần đầu tiên đón đĩa thức ăn từ tay anh bạn người Thái, tôi đã không khỏi bật cười vì sự liên tưởng này. Có nhiều lí do để tôi ràng buộc hai món ăn xa lạ từ hai nền ẩm thực vốn ít tương đồng lại làm một trong đó có cung cách trình bày. Một đĩa thức ăn bao gồm một chén cơm tôm, xung quanh là các thức ăn kèm bao gồm màu tím của hành, màu vàng của trứng, màu trắng của dưa chuột, màu xanh của xoài chua, một vài nơi còn có thêm màu vàng của dứa, màu đỏ của lạp xường và ớt tươi và cuối cùng, không thể thiếu chút thịt heo rang ngọt. Tất cả các nguyên liệu kể trên phải đạt một tiêu chuẩn duy nhất, đó là chỉ chế biến tươi ngon ngay khi khách yêu cầu chứ không được chế biến sẵn. Cơm nóng sẽ được đảo nhanh tay với mắm tôm để đạt tới độ khô vừa phải, hạt gạo còn nguyên, nóng hôi hổi chứ không dính nát, trong khi các nguyên liệu khác được cắt tỉa gọn gàng trên đĩa. Đầu bếp sẽ là người gia giảm các nguyên liệu sao cho thực khách chỉ việc trộn đều các nguyên liệu với nhau và thưởng thức. Giống như bún thang với ẩm thực Việt, đây là món thể hiện rõ nhất tính cân bằng của ẩm thực Thái Lan, khi kết hợp đủ vị chua-cay-mặn-ngọt trên nền gạo suay - thứ gạo thơm mà họ tự hào nhất. Và giống hơn nữa, là bạn khó có thể tìm thấy một hàng bún thang ngon ở Hà Nội, cũng như khó có thể tìm thấy món Khao kluk kapi này trong những nhà hàng dành cho khách du lịch.